Sign In

Mục tiêu của NDC

15:20 31/05/2024

Mục tiêu của NDC

Về giảm phát thải khí nhà kính

- Mục tiêu giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải và các quá trình công nghiệp đến năm 2030 so với BAU trong NDC 2022 tăng cao so với NDC 2020, cụ thể Đóng góp không điều kiện đã tăng từ 9% lên 15,8% và Đóng góp có điều kiện tăng từ 27% lên 43,5%.

- Việc thực hiện NDC 2022 phù hợp với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và các biện pháp thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan.

- Các giả thiết sử dụng trong tính toán giảm phát thải được cập nhật trên cơ sở kế hoạch thực hiện cam kết COP26 của các Bộ, ngành liên quan; có xét đến phát thải của tiểu lĩnh vực làm mát và làm lạnh trong dịch vụ, thương mại và công nghiệp, chuyển đổi sử dụng, thu hồi, tái chế và tiêu huỷ các chất HFCs trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp.

- Bổ sung các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp; xác định các biện pháp giảm phát thải, tăng cường hấp thụ các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; xác định các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan nhằm giảm 30% lượng phát thải mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020 theo Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu.

- Làm rõ hơn Đóng góp không điều kiện (Unconditional Contribution) và Đóng góp có điều kiện (Conditional Contribution), trong đó: i) Đóng góp không điều kiện: Là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia được thực hiện bằng các nguồn lực gồm: ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân; ii) Đóng góp có điều kiện: Là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia khi được quốc tế cung cấp thêm tài chính một cách thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ UNFCCC và Thỏa thuận Paris

Về thích ứng biến đổi khí hậu 

- Cập nhật xu thế biến đổi của khí hậu và dự tính khí hậu cho tương lai, phân tích rủi ro gia tăng do biến đổi khí hậu theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020.

- Cập nhật những nỗ lực và thành quả đạt được của Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu; bổ sung phân tích thiếu hụt về thích ứng với biến đổi khí hậu cần được giải quyết trong NDC.

- Cập nhật phần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực và các khu vực; bổ sung phần phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số.

- Cập nhật nội dung tổn thất và thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế trong quá khứ và dự tính trong tương lai.

- Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm các nhóm nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và các Chiến lược quốc gia vừa mới được phê duyệt liên quan đến phòng chống thiên tai, phát triển thủy sản, phát triển ngành khí tượng thủy văn, phát triển lâm nghiệp và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Kịch bản phát triển thông thường

Mục tiêu của NDC

Kiểm kê khí nhà kính

Cam kết net zero vào năm 2050