Sign In

Địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thị trường các-bon

16:27 24/10/2023

Theo Nghị quyết 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Các chuyên gia nhận định, tận dụng cơ hội này, TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính xanh của cả nước và trong khu vực.

Thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ các-bon

Chính sách đặc thù cho TP.HCM là thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thí điểm cơ chế này bao gồm việc ban hành các quy định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho thị trường tín chỉ các-bon, cơ chế tài chính, các hoạt động hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư và kinh doanh tín chỉ các-bon.

Giải pháp của TP.HCM tập trung vào nhánh thị trường tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon. Theo đó, TP.HCM xin được sử dụng mái nhà cơ quan công sở, là tài sản công, để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ các-bon và bán ra thị trường các-bon, vừa tạo nguồn thu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Một tính toán gần đây cho thấy nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi thì mỗi năm sẽ giảm phát thải khoảng 500 tấn các-bon (tương đương 500 tín chỉ các-bon). Nếu giá một tín chỉ các-bon là 5 USD, doanh thu từ dự án giảm phát thải các-bon này sẽ khoảng 2.500 USD/năm.

Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon.

Vấn đề được khối các doanh nghiệp tại TP HCM quan tâm hiện nay theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) là doanh nghiệp có thể bắt đầu như thế nào? Ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp? Cộng đồng doanh nghiệp mong các cơ quan quản lý vào cuộc sớm hơn, tạo môi trường pháp lý để doanh nghiệp vào cuộc sớm hơn…

TP.HCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán tín chỉ các-bon. ẢNh minh họa

Khuyến nghị từ chuyên gia

Để triển khai thực hiện thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ các-bon, gần đây, chính quyền thành phố và các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tìm kiếm giải pháp. Trong đó, đề xuất giải pháp cho thành phố, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện tuy chưa có thị trường các-bon nhưng thành phố HCM bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông Sơn cũng khẳng định, nếu TP.HCM lập tổ công tác để triển khai việc này thì Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - TS. Trần Văn khuyến nghị, bên cạnh thực hiện thí điểm thị trường các-bon, TP.HCM có thể sử dụng công cụ trái phiếu xanh, bao gồm trái phiếu xanh của doanh nghiệp và của chính quyền địa phương. Để làm được điều này, TP.HCM cần sớm công bố thông tin danh mục các dự án xanh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu xanh trên cơ sở vận dụng và cụ thể hóa Nghị quyết 98. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TP.HCM chứ không dàn trải.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì khuyến nghị, TP.HCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải nhanh chóng để có được khung chính sách.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, TS.Pau Dargusch, Đại học Queenland (Australia) nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh nên áp dụng triển khai sớm để thu hút tài chính và đầu tư về khí hậu, đồng thời sử dụng lượng khí thải giảm thiểu từ biện pháp bù trừ nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Để thực hiện được cơ chế bù trừ các-bon hiệu quả, TPHCM nên thiết lập một cơ quan làm đầu mối hỗ trợ phát triển, khác biệt với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Trong ngắn hạn, cơ quan này xác định các dự án có thể được thực hiện nhanh chóng, tương đối dễ dàng. Lợi ích được cung cấp, mức giảm phát thải và các điều chỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển của TPHCM. Về lâu dài, cơ quan đầu mối này sẽ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân để giúp họ ước tính tài khoản các-bon của mình, đồng thời khám phá và thực hiện các dự án giảm phát thải nhằm mục đích sau khi bù trừ sẽ giảm lượng phát thải, TS. Pau Dargusch đề xuất.

Khánh An

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Việt Nam sẽ loại trừ dần HFC từ năm 2024

Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật)

Nhiều tranh luận về cơ chế trao đổi các-bon toàn cầu

Ngày hội “Thanh niên hành động hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon” tại Tỉnh Thái Bình

Giải thể thao Khối thi đua số IV Bộ TNMT