Sign In

Phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu

16:32 08/04/2024

Một trong những giải pháp để ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu được xác định là đầu tư phát triển hạ tầng tại các địa phương.

Sơn La: Xây dựng đập phòng chống lũ quét, sạt lở

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – Văn phòng tại Việt Nam vừa khởi công xây dựng thí điểm đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Sơn La nhằm giảm rủi ro do sạt lở, lũ quét.

Đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất, thường được xây dựng tại thượng lưu những sông có độ dốc lớn và tốc độ dòng chảy cao; giúp giữ lại bùn đá, gỗ trôi và ngăn ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu.

Theo Văn phòng JICA tại Việt Nam, xây dựng đập Sabo thí điểm là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Dự án “Hợp tác Kỹ thuật về Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” được triển khai từ năm 2022 dưới sự hợp tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và JICA tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.

Việc xây dựng thí điểm đập Sabo tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng là cơ sở để Chính phủ Việt Nam tham khảo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế công trình đập Sabo trước khi triển khai xây dựng các đập Sabo khác tại các khu vực có rủi ro cao, hướng tới hiện thực hóa Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những năm gần đây, lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn diễn ra thường xuyên và gây ra thiệt hại nặng nề tại vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục cùng với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tích cực hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong quản lý rủi ro thiên tai.

Mô hình đập Sabo sẽ được xây dựng tại tỉnh Sơn La. Ảnh: JICa

Vĩnh Long: Đầu tư xây dựng đô thị xanh

Tỉnh Vĩnh Long đang triển khai các dự án phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng tới tăng trưởng xanh. Đó là Dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long” và Dự án “Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Mục tiêu chung của các dự án này nhằm tăng cường quản lý đô thị thích ứng với BĐKH và hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững. Thời gian thực hiện từ năm 2021, dự kiến đến năm 2025.

Bên cạnh, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (CTR) Hòa Phú, huyện Long Hồ.

Đây là khu có chức năng xử lý CTR sinh hoạt, xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại và bùn thải từ hệ thống thoát nước; xử lý CTR y tế; xử lý CTR công nghiệp nguy hại; hỗ trợ chôn lấp sau xử lý cho các khu xử lý CTR khác của thành phố và các huyện lân cận của tỉnh.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, công tác ứng phó BĐKH đòi hỏi kinh phí lớn (đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung đô thị, xử lý CTR...) trong khi nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế. Do đó, xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực ứng phó BĐKH là cần thiết và quan trọng.

Nam Định: Nâng cấp hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Nam Định và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết biên bản ghi nhớ liên quan đến Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai bên đồng thời thống nhất các nội dung, kế hoạch, lộ trình thực hiện Dự án bảo đảm hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế nông thôn tỉnh Nam Định, phù hợp với Chiến lược quốc gia và Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời cải thiện hiệu quả hệ thống thủy lợi của tỉnh, giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng nông thôn trước biế đổi khí hậu.

Dự án phù hợp với Chiến lược đến năm 2030 của ADB về thúc đẩy phát triển nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và thiên tai; đồng thời cũng được đưa vào báo cáo giám sát và lộ trình quốc gia dự kiến cho Việt Nam giai đoạn 2024-2026, phù hợp với Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2023-2026. Dự án đã được đưa vào kế hoạch cho vay của ADB, sẽ được đệ trình lên Ban Giám đốc ADB. Dự kiến nguồn ngân sách ước tính cho Dự án là 129 triệu USD và đang xin thêm một khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Công nghệ cao khoảng 3 triệu USD.

Bùi Thọ

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Việt Nam sẽ loại trừ dần HFC từ năm 2024

Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật)

Nhiều tranh luận về cơ chế trao đổi các-bon toàn cầu

Ngày hội “Thanh niên hành động hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon” tại Tỉnh Thái Bình

Giải thể thao Khối thi đua số IV Bộ TNMT