Để thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon, việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn là một giải pháp quan trọng.
* Diện tích rừng ngập mặn suy giảm
RNM trong việc nuôi dưỡng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đê biển còn là nơi cung cấp chỗ cư ngụ, cũng như là nguồn thức ăn cho rất nhiều loài động vật. Trong đó, vai trò lớn nhất của RNM trong việc ứng phó với BĐKH giúp tích luỹ carbon, góp phần giảm nồng độ CO2 trong khí quyển.
Tại Việt Nam phân bố ở các tỉnh ven biển, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Trong đó, Quảng Ninh chiếm 9,8%, Đồng bằng sông Hồng 5,3% và Nam Bộ chiếm diện tích lớn nhất với 83,3% RNM. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh – trường Đại học TN&MT Hà Nội cho thấy, diện tích RNM đã giảm dần theo các năm, hiện năm 2020, diện tích RNM trên cả nước đã giảm đáng kể xuống còn 147,27 km2 so với năm 1980 là 187,94 km2.
Nguyên nhân khách quan cho việc mất diện tích rừng là do tác động của BĐKH toàn cầu, gây ảnh hưởng đến đặc điểm thích nghi của cây ngập mặn, làm thay đổi tính chất thể nền RNM, thay đổi lượng mưa, tăng độ mặn của nước, thay đổi nhiệt độ và ảnh hưởng tiêu cực nhất là khiến nước biển dâng.
Nguyên nhân chủ quan gây suy giảm tài nguyên RNM do tác động của con người trong việc: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi trồng thuỷ hải sản; phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện,...; vấn đề về ô nhiễm môi trường. Trong đó, công tác quản lý tài nguyên RNM vẫn còn gặp những hạn chế như thiếu cơ chế hỗ trợ chi phí cho cán bộ bảo vệ RNM, chi phí chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM tại địa phương,…
Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường và trong đời sống nhân dân
* Đồng bộ nhiều giải pháp
Để có thể từng bước phục hồi tài nguyên RNM, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đối với áp lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, cần người dân và chính quyền chấp hành các quy định của Pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển RNM; tăng cường công tác bảo vệ, phát triển RNM tại địa phương ven biển; đánh gía chính xác vai trò của RNM trong việc tích luỹ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện Net Zero carbon vào năm 2050; tạo cơ chế phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ và phát triển RNM bền vững, lượng giá giá trị tài nguyên RNM, làm cơ sở chi trả dịch vụ môi trường.
Về các nhóm giải pháp, trong đó, với nhóm giải pháp quản lý: Cần lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch bảo tồn và phát triển RNM; đưa giải pháp quản lý và bảo vệ RNM dựa vào cộng đồng thông qua việc giao rừng cho cộng đồng chăm sóc và quản lý; đề ra phương hướng duy trì hoạt động trồng và bảo vệ RNM.
Đối với giải pháp về kinh tế, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho người bảo vệ rừng của địa phương, cơ chế chi phí dịch vụ hệ sinh thái RNM; xây dựng và thiết lập các chính sách liên quan đến hộ nghèo, tạo thu nhập từ ngành nghề phi nông nghiệp; chính sách hỗ trợ, chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đồng thời, trong nhóm giải pháp về sinh thái môi trường, cần quản lý RNM theo hướng tiếp cận hệ sinh thái; Quy hoạch tổng hợp ven bờ, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững; tạo cơ sở pháp lý, cam kết bảo vệ rừng đối với những hộ có liên quan.
Ngoài ra, trong nhóm giải pháp kỹ thuật, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để duy trì sự phát triển, làm chậm quá trình suy thoái của RNM hiện tại; tạo không gian và điều kiện thuận lợi, nhằm thúc đẩy sự phát triển của RNM ra phía biển; phân vùng để quản lý, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái RNM.
Bên cạnh đó, việc đánh giá chính xác vai trò của RNM trong việc tích luỹ carbon là tiền đề quan trọng giúp thống nhất các phương pháp đánh giá đảm bảo độ tin cậy, thông qua đánh giá khả năng tích luỹ carbon của RNM ở tất cả các bể chứa và đánh giá toàn diện trên các khu vực khác nhau từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.