Sign In

Tăng cường năng lực đàm phán biến đổi khí hậu cho các quốc gia ASEAN

10:03 16/07/2024

Được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chương trình hành động về khí hậu ASEAN - Đức đã tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực đàm phán biến đổi khí hậu quốc tế cho đàm phán viên các quốc gia ASEAN trong các ngày từ 16 - 18/7 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam .

Hội thảo đào tạo nhằm tăng cường năng lực đàm phán biến đổi khí hậu quốc tế cho đàm phán viên thuộc các quốc gia ASEAN và góp phần nâng cao tầm nhìn của ASEAN trong diễn đàn đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Tham dự có đại diện từ Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC) của Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo đào tạo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC) của Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian Hội thảo, các học viên sẽ được nâng cao kỹ năng đàm phán; cung cấp thêm kiến thức và hiểu biết về quá trình đàm phán Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC); cập nhật các chủ đề chính, các ưu tiên của Hội nghị COP29 để chuẩn bị tốt cho Hội nghị COP29 sắp tới; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ASEAN để tham gia đàm phán hiệu quả hơn.

Ông Roland Treitler, Quản lý Chương trình hành động về khí hậu ASEAN - Đức cho rằng: Kỹ năng đàm phán là một trong những kỹ năng rất quan trọng tại các diễn đàn quốc tế. Trong bối cảnh Hội nghị COP 29 sẽ diễn ra vào cuối năm nay, việc chuẩn bị và rèn luyện kỹ năng đàm phán về biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ rất cần thiết, nhằm giúp các đàm phán viên sẵn sàng cho Hội nghị sắp tới.

Ông Roland Treitler, Quản lý Chương trình hành động về khí hậu ASEAN - Đức phát biểu tại Hội thảo

Thông qua hội thảo tập huấn, ông Roland Treitler mong muốn các đại biểu tham dự có cơ hội rèn luyện, nâng cao kỹ năng cá nhân về đàm phán. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ASEAN.

Thực tiễn cho thấy, các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp hơn và cần có cách tiếp cận đa chiều trong khu vực ASEAN. ASEAN cần phải khai thác tối đa tiềm năng của mình để thúc đẩy các chính sách khí hậu trong khu vực. Mục tiêu này có thể được xây dựng cụ thể hơn thông qua việc tăng cường năng lực cho các cán bộ đàm phán nhằm nâng cao tầm nhìn của ASEAN trong các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu.

Đàm phán viên thuộc các quốc gia ASEAN tham gia Hội thảo đào tạo tại Hội An, Quảng Nam

Dưới sự điều phối của Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC), hàng năm ASEAN đều xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP). Tuyên bố nêu bật các hoạt động của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong khu vực. Tuyên bố cũng là tài liệu thể hiện quan điểm của ASEAN về các chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu và kết quả dự kiến của các hội nghị COP sắp tới.

Theo kết quả của Hội nghị Đối tác về biến đổi khí hậu ASEAN, đào tạo đàm phán về biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động nâng cao năng lực cần thiết để nâng cao sự tham gia của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế. Tại Kế hoạch hành động AWGCC giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam được giao chủ trì triển khai thực hiện các khóa đào tạo đàm phán về biến đổi khí hậu. Nguồn lực thực hiện năm 2025 được Ban thư ký ASEAN huy động từ chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức.

Chu Thanh Hương

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Việt Nam sẽ loại trừ dần HFC từ năm 2024

Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật)

Nhiều tranh luận về cơ chế trao đổi các-bon toàn cầu

Ngày hội “Thanh niên hành động hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon” tại Tỉnh Thái Bình

Giải thể thao Khối thi đua số IV Bộ TNMT