Hiện thực mục tiêu đô thị carbon thấp, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh mới đây, TP. Hồ Chí Minh kêu gọi kêu gọi quốc tế giúp Thành phố giảm phát thải, xây dựng và tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Tại hội nghị, nhóm công tác chung TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng thế giới (WB) đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD.
Dự kiến, dự án được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 - 2025 và tiến hành thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030. Dự án được triển khai sẽ tạo ra hệ thống quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và tư, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của thành phố.
4 giải pháp giảm phát thải
Dự án Đô thị carbon thấp tại TPHCM được xây dựng trong 18 tháng qua, với mục tiêu giúp thành phố giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.
Dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn như: nâng cấp lên đèn đường LED; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn Tp; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà công và tư nhân; nâng cấp lên phương tiện giao thông chạy bằng điện…
Trong đó, thông qua giải pháp nâng cấp lên đèn đường LED, mức tiêu thụ điện của đèn đường so với hiện nay có thể giảm được 50 - 60%, đồng thời tuổi thọ dài gấp 4 lần so với công nghệ chiếu sáng truyền thống.
TP. Hồ Chí Minh được đánh giá có tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà rất lớn khi có lượng bức xạ cao hơn mức trung bình. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, duy trì liên tục xuyên suốt năm và không gặp bất kỳ gián đoạn nào như miền Bắc. Số giờ nắng có thể lên tới 300 giờ vào mùa khô và chỉ giảm xuống khoảng 150 giờ vào mùa mưa. Do đó giải pháp trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhóm chuyên gia cho rằng có thể giảm từ 14-36% chi phí đầu tư do tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà/nhà máy xử lý nước thải sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho các đơn vị sở hữu tòa nhà/nhà máy, giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra sự ổn định trong khâu cung cấp điện và giá điện.
Việc chuyển đổi sang xe điện sẽ góp phần tiết kiệm chi phí vận hành và đóng góp vào công cuộc giảm phát thải, và cải thiện đáng kể chất lượng không khí của thành phố.
Như vậy, nếu dự án được thực hiện, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm được 981 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nguồn thu từ tín chỉ carbon trong 10 năm là 1.602 tỷ đồng, tương đương 67 triệu USD (giả định tín chỉ carbon là 20 USD/tín chỉ). Trong đó, 645,9 tỷ đồng sẽ đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách thành phố và 957 tỷ đồng được tạo ra từ tổng lượng giảm phát thải của các giải pháp triển khai bởi khối tư nhân.
Minh họa đô thị carbon thấp (Nguồn: MOLOC/ Interreg Europe)
Xây dựng tín chỉ carbon
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng Xanh TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố có buổi tiếp đại diện các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế, trao đổi về vấn đề phối hợp gia tăng nguồn lực phát triển xanh cho thành phố.
Đại diện các tổ chức, nhà đầu tư thuộc nhóm thị trường carbon và tài chính WB, ông Chandra Sinha, Trưởng thị trường tài chính carbon toàn cầu khẳng định WB mong muốn hỗ trợ thành phố thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế, phát huy tiềm năng của thành phố để kêu gọi, tận dụng các nguồn lực quốc tế giúp thành phố xây dựng tín chỉ carbon và tham gia thị trường tín chỉ carbon.
WB có kinh nghiệm làm việc với các thành phố, công ty quốc tế đã và đang tham gia thị trường tín chỉ carbon; ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế; hỗ trợ thành phố trong việc xác định ngành nghề cụ thể là cơ hội và tiềm năng cho phát triển tín chỉ carbon; lựa chọn dự án hoặc hợp phần dự án có thể áp dụng tạo ra tín chỉ carbon bán ra thị trường… Chuyên gia WB cho rằng, tài chính carbon là một công cụ rất quan trọng giúp TP. Hồ Chí Minh đạt được các mục tiêu về khí hậu và tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn.
Đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của Thành phố với nền kinh tế Việt Nam, bà Marieka Van Der Piji, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ thành phố trong quá trình chuyển đổi xanh; hỗ trợ huy động nguồn lực, giúp thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, công trình xanh để giảm phát thải…
TP. Hồ Chí Minh đề nghị WB tập trung giúp xây dựng kế hoạch khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách và kết nối nguồn lực trong quá trình triển khai; tư vấn chi tiết hơn trong việc xác định các loại hình tín chỉ carbon, hỗ trợ thành phố tham gia thị trường carbon thế giới; tư vấn và hỗ trợ thành phố xác định và phát triển các ngành nghề, doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng tín chỉ carbon và tham gia thị trường tín dụng carbon thế giới.
Khánh Anh