Sign In

Thuỵ Sĩ mong muốn tăng cường hợp tác phát triển thị trường các-bon

10:49 20/11/2024

Ngày 19/11, bên lề Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Azerbaijan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có cuộc gặp song phương với ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ, Việt Nam và Thụy Sĩ đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền chặt, với nhiều kết quả rất tốt đẹp. Đây là nền tảng cho các đề xuất, trao đổi nhiều hơn trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới, đặc biệt là liên quan tới phát triển thị trường các-bon.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc gặp song phương

Đại sứ Felix Wertli chia sẻ, Thụy Sĩ hiện là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong triển khai thí điểm các dự án trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Thời gian qua, cơ quan đầu mối phía Thụy Sĩ đã trao đổi, làm việc với các cơ quan, tổ chức phía Việt Nam để xác định một số dự án tiềm năng để thí điểm (dự án xe điện, dự án tưới tiêu trong nông nghiệp, dự án khí gas sinh học, dự án làm mát xanh). Triển khai thị trường các-bon theo Điều 6 sẽ là trợ lực về tài chính quan trọng để các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam đạt được các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Phía Thụy Sĩ mong muốn có thể chính thực khởi động một thỏa thuận song phương về trao đổi tín chỉ các-bon với Việt Nam, trên cơ sở làm rõ lộ trình cần thiết.

Ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn hai nước sẽ hợp tác trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris là vấn đề mới. Tại Hội nghị COP 29, các Bên vẫn đang đàm phán, hoàn thiện các quy định quốc tế liên quan.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, chi tiết các mục tiêu cụ thể cho từng ngành. Đây là cơ sở để đánh giá cần bao nhiêu tín chỉ các-bon mới đủ đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải theo NDC, và còn lại bao nhiêu tín chỉ các-bon có thể đưa vào trao đổi theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Để tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định có liên quan tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó có quy định về nguyên tắc triển khai các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đa phương, song phương. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm triển khai trao đổi tín chỉ các-bon theo Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) với Nhật Bản, và đang rà soát lại để điều chỉnh một số quy định liên quan.

Phía Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia khác về Điều 6.2, bao gồm các quy định triển khai cần thiết, các báo cáo quốc tế về trao đổi tín chỉ các-bon theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Đồng thời, đề xuất nội dung cụ thể về trao đổi tín chỉ các-bon giữa Việt Nam và Thụy Sĩ để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thụy Sĩ cần mua ít nhất 20 triệu tín chỉ các-bon trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 nhằm phục vụ việc triển khai cam kết giảm phát thải khí nhà kính

Ông Felix Wertli cho rằng, các cơ quan đầu mối của hai nước cần dành thời gian thảo luận về các dự án thí điểm, đề xuất dự thảo thỏa thuận hợp tác trao đổi tín chỉ từ năm sau. Dự án giảm phát thải theo Điều 6 có thể có thời hạn kéo dài đến năm 2030 hoặc 2035. Đại sứ Thụy Sĩ cũng đề xuất cần tổ chức hội thảo khởi động các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Ủng hộ cách tiếp cận bằng các dự án cụ thể, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng đây là tiền đề để xây dựng các quy định phù hợp với pháp luật của Việt Nam, hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết một cách nhanh chóng.

Hai bên đồng tình sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm để có thể xây dựng các dự án một cách nhanh chóng, chú trọng yếu tố đổi mới sáng tạo và đem lại hiệu quả giảm phát thải một cách thực chất, gắn với các lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam.

Thụy Sĩ cần mua ít nhất 20 triệu tín chỉ các-bon trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 nhằm phục vụ việc triển khai cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện mục tiêu này, Thụy Sĩ sẽ đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định song phương về trao đổi tín chỉ các-bon với các quốc gia đối tác và tiến hành mua tín chỉ các-bon mang về nước. Đến nay, Thụy Sĩ đã ký kết 13 thỏa thuận, hiệp định song phương với các quốc gia tại Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu và đã có tổng cộng 5 dự án triển khai thí điểm theo Điều 6.2.

Chu Hương - Thành Công (đưa tin từ Azerbaijan)

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường với Singapore

Trao đổi kinh nghiệm phát triển thị trường các-bon với New Zealand

Thuỵ Sĩ mong muốn tăng cường hợp tác phát triển thị trường các-bon

Việt Nam - Vương Quốc Anh: Thúc đẩy hợp tác song phương ứng phó biến đổi khí hậu

Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10

Liên minh châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ triển khai JETP