Sign In

Những vấn đề mở đầu Hội nghị COP29

10:18 13/11/2024

Trong hai ngày đàm phán đầu tiên 11 – 12/11, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã đưa ra nhiều vấn đề mang tính thời sự liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Về phát triển thị trường các-bon, nước chủ nhà Hội nghị COP 29 Azerbaijan ưu tiên thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris, nhằm cung cấp một khuôn khổ thị trường cho phép các quốc gia tham gia vào việc trao đổi tín chỉ các-bon. Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev coi đây là bước chuyển đổi quan trọng nhằm phân bổ nguồn lực giảm phát thải khí nhà kính cho các nước đang phát triển.

Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev chia sẻ về ưu tiên triển khai thị trường các-bon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris

Về tình hình khí hậu cực đoan, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận. Từ tháng 1 đến tháng 9 vừa qua, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng đến ngưỡng 1,54°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tượng El Nino đang góp phần gây nóng lên toàn cầu. Báo cáo của WMO chỉ ra, giai đoạn 2015-2024 có thể sẽ là thập kỷ ấm nhất từng được ghi nhận. Tốc độ ấm lên của đại dương đã tăng lên rõ rệt trong hai thập kỷ qua, và dự kiến sẽ tiếp tục không thể đảo ngược.

Trước những lo ngại về chính sách khí hậu của Hoa Kỳ trong thời gian tới, ông John Podesta, cố vấn cấp cao của Tổng thống Hoa Kỳ về chính sách khí hậu quốc tế bày tỏ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) sẽ tiếp tục giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính của nước này, ngay cả dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

Ông Podesta duy trì sự lạc quan về việc đạt được mục tiêu tài chính khí hậu mới tại COP29, đồng thời, ủng hộ việc mở rộng đối tượng các nhà tài trợ ngoài các nước phát triển có thể bao gồm các nước đang phát triển giàu có như Trung Quốc. Ông Podesta cũng kêu gọi Trung Quốc dẫn đầu hành động khí hậu toàn cầu và đệ trình một kế hoạch khí hậu mới phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris, về việc giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C vào cuối thế kỷ này.

Hội nghị COP29 diễn ra tại Azerbaijan, quy tụ trên 80 nguyên thủ quốc gia và 70 nghìn đại biểu đăng ký tham dự

Một số tuyên bố sắp tới:

- Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ có bài phát biểu, thảo luận về kế hoạch hành động khí hậu NDC mới. Azerbaijan dự kiến sẽ công bố kế hoạch mới tại COP29, trong khi nhiều quốc gia khác có thể sẽ công bố vào năm sau.

- Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ công bố mục tiêu giảm phát thải mới đến năm 2035 của Vương quốc Anh (Mục tiêu hiện tại là giảm 68% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030).

- Chính phủ Brazil đã công bố mục tiêu giảm phát thải mới cho năm 2035 là sẽ giảm 59 - 67% phát thải khí nhà kính so với mức năm 2005. Nước này cũng đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại cuộc họp cấp cao về “Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Việc thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại tại COP 28 năm ngoái là một chiến thắng cho các nước đang phát triển, cho chủ nghĩa đa phương và cho công lý. Nhưng mức vốn hóa ban đầu 700 triệu USD không thể sánh bằng việc khắc phục những tác động nặng nề mà biến đổi khí hậu gây ra cho những người dễ bị tổn thương.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

“700 triệu USD gần bằng thu nhập hàng năm của 10 cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới. Khoản tiền này thậm chí còn chưa bằng 1/4 thiệt hại ở Việt Nam do cơn bão Yagi gây ra vào tháng 9 vừa qua” – ông Guterres so sánh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước cam kết tài chính mới cho quỹ. Ngoài dòng chảy tài chính từ phía các Chính phủ, các nước cần thống nhất một mục tiêu tài chính khí hậu mới để khai thác các nguồn tài chính khác, đáp ứng quy mô nhu cầu khổng lồ.

Hội nghị COP29 diễn ra tại Azerbaijan, quy tụ trên 80 nguyên thủ quốc gia và 70 nghìn đại biểu đăng ký tham dự. Sau hai ngày, một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo thế giới đã rút khỏi COP29, bao gồm các nhân vật nổi bật như Tổng thống Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine.

Một số lãnh đạo không tham dự Hội nghị như: Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Một số nhà lãnh đạo mới khẳng định tham dự Hội nghị từ các quốc gia: Sudan, Iran và Ai Cập.

Chu Hương - Bảo Trung (đưa tin từ Azecbaijan)

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Đẩy mạnh thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu

Liệu có hay không một thỏa thuận tại COP29

Toàn văn phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu

Hội nghị COP29: Tiến độ đàm phán tới giữa tuần thứ hai

COP 29: Kết thúc tuần làm việc đầu tiên chưa có nhiều tiến triển

Việt Nam đề xuất mở rộng hợp tác với Viện quốc tế về Phát triển bền vững