Cam kết tài chính 100 tỷ đô la mỗi năm cho ứng phó biến đổi khí hậu sẽ hết hạn trong năm 2024. Bởi vậy, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) đang diễn ra tại Azerbaijan còn được biết tới là hội nghị về tài chính.
Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia tại Hội nghị là đưa ra một thỏa thuận đảm bảo tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai.
Năm 2009, các nước giàu đã cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ chi phí cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng với các tác động từ việc Trái đất đang nóng lên. Cam kết trên sẽ hết hạn trong năm 2024.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu tại phiên đàm phán về tài chính khí hậu
Các quốc gia đang đàm phán một mục tiêu cao hơn bắt đầu từ năm tới. Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG) là một trong những trọng tâm của Hội nghị, trên cơ sở nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 60 (SB60) Ban bổ trợ khoa học Công nghệ hồi tháng 6/2024, các nước mới đưa ra dự thảo tài liệu đàm phán bao gồm mục tiêu, thành phần và cơ cấu nguồn tài chính. Các nước đang phát triển yêu cầu phải có mục tiêu định lượng mức đóng góp tài chính, nhưng các nước phát triển lảng tránh và coi đây là “giới hạn đỏ”. Trong quá khứ, nguồn tài chính công chiếm phần lớn đóng góp cho mục tiêu 100 tỷ USD.
Tại phiên khai mạc COP29, Thư ký điều hành UNFCCC Simon Stiell thúc giục các quốc gia thiết lập một mục tiêu tài chính khí hậu mới mạnh mẽ hơn. Nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, ông Simon Stiell bác bỏ tất cả quan điểm coi khoản tài chính này là khoản từ thiện.
Ngay sau khi chương trình nghị sự COP29 được thông qua, hàng loạt các phiên họp về tài chính đã diễn ra. Các nước đang phát triển do G77 và Trung Quốc dẫn đầu đã kêu gọi các nước phát triển cần cung cấp ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển. Khoản tiền này dùng để triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bù đắp tổn thất và thiệt hại.
Mới đây nhất, tại Hội nghị Đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ VI về tài chính khí hậu diễn ra hôm nay, 14/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD chỉ ra, vào năm 2022, các nước phát triển đã cung cấp và huy động tổng cộng 115,9 tỷ USD tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển, lần đầu tiên vượt mục tiêu 100 tỷ USD hàng năm.
Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục đề nghị nâng cao mức hỗ trợ trong thời gian tới. Quan điểm của Việt Nam là kêu gọi thiết lập một định nghĩa rõ ràng, toàn diện về tài chính khí hậu. Nếu không thì khó có thể đánh giá và xem xét rằng liệu mục tiêu 100 tỷ đô la Mỹ đã đạt được hay chưa.
Quang cảnh tại phiên đàm phán về tài chính khí hậu
Tại Hội nghị này, Việt Nam đề xuất: NCQG cần đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển, ít nhất là 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2035. NCQG cần phải nhắc lại sự cần thiết của các nguồn lực công cho thực hiện các Kế hoạch Thích ứng quốc gia và hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu trong NDC của các nước đang phát triển.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tài chính khí hậu sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay theo lãi suất thị trường với các điều khoản ưu đãi khác như thời gian hoàn vốn và ân hạn, tín dụng xuất khẩu và đầu tư.
Trong các cuộc họp trước đó, nhóm SUR (bao gồm các nước Argentina, Brazil, Ecuador, Paraguay và Uruguay) cho biết: NCQG là một công cụ quan trọng để nâng cao năng lực của các nước đang phát triển để thực hiện cả Công ước và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong thập kỷ quan trọng hiện nay. Nhóm kỳ vọng NCQG trở thành nền tảng cho các mục tiêu cao hơn trong vòng cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tiếp theo. NCQG phải tương thích với nhu cầu cụ thể từ các nước đang phát triển, cũng như tương thích với các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm giữ mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C.
Các quốc gia đảo nhỏ (AOSIS) kêu gọi "tập trung vào mở rộng các nguồn tài chính và tăng cường khả năng tiếp cận, bao gồm việc áp dụng mức phân bổ tối thiểu tương ứng cho Nhóm các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (ít nhất 39 tỷ USD mỗi năm) và Nhóm các nước kém phát triển (ít nhất 220 tỷ USD mỗi năm) trong mục tiêu tài chính của NCQG".
Nhóm các quốc gia có đồng quan điểm (LMDC) cũng kêu gọi ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm, coi đây là trách nhiệm duy nhất mà các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển.
Hội nghị COP 28 vào năm ngoái đã thống nhất thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại với mức vốn hóa ban đầu là 700 triệu USD. Mặc dù được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khoản đóng góp mới nhưng tại COP 29 năm nay, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có Thụy Điển đưa ra cam kết 19 triệu đô la cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại nâng tổng vốn huy động cho Quỹ lên 720 triệu $ với điều kiện Chính phủ thông qua.
Theo ước tính của nhóm các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), đóng góp tài chính khí hậu của họ có thể đạt lũy kế 120 tỷ USD vào năm 2030, bao gồm 42 tỷ USD cho thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. MDB cũng đặt mục tiêu huy động 65 tỷ USD hàng năm từ khu vực tư nhân.
Đối với các nước thu nhập cao, khoản hỗ trợ hàng năm dự kiến sẽ đạt 50 tỷ USD, bao gồm 7 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu và MDB cũng đặt mục tiêu huy động 65 tỷ USD từ khu vực tư nhân.
Các bên cho vay bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Hội đồng Châu Âu (CEB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Nhóm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IsDB) và Ngân hàng Phát triển Mới.
MDB cũng thông báo đã cung cấp vượt quá dự báo tài chính khí hậu năm 2025 (được đưa ra hồi năm 2019), với tài chính khí hậu trực tiếp tăng 25% và nguồn huy động cho các nỗ lực khí hậu tăng gấp đôi trong năm qua.
Chu Hương
​​​​​​​