Sign In

Tiến độ xây dựng NDC 3.0 trên thế giới và nhu cầu tài chính khí hậu

11:06 15/11/2024

Cho tới nay, chưa đến 50% Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đưa ra cụ thể nhu cầu tài chính khí hậu. Điều này đặt ra thách thức trong việc xây dựng NDC cập nhật lần thứ 3 (NDC 3.0), do đây là cơ sở để tăng cường tính minh bạch và đưa ra mục tiêu cao hơn trong việc chi tiết hóa các chiến lược tài chính, phục vụ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Huy động đầu tư công – tư cho NDC

Tại Hội nghị COP 29 đang diễn ra tại Azerbaijan, các cuộc đàm phán giữa đại diện gần 200 quốc gia đều chỉ ra, bối cảnh phát triển của các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đang chứng kiến một sự thay đổi lớn, với NDC nổi lên như một công cụ quan trọng ở trung tâm của quá trình chuyển đổi này.

Việc xây dựng NDC3.0 có thể là một chiến lược tài chính và hợp tác quốc tế, có khả năng điều hướng cộng đồng toàn cầu hướng tới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vướt quá 1,5°C, đồng thời, tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo sự thịnh vượng của các quốc gia. NDC 3.0 thể hiện năng lực của các quốc gia và có thể đóng vai trò định hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững.

Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nhận định: “Làn sóng” NDC 3.0 dự kiến sẽ vượt qua việc tuân thủ quy định đơn thuần. Thay vào đó, NDC 3.0 thể hiện một kế hoạch kinh tế và xã hội toàn diện, khai thác nguồn tài chính toàn cầu trị giá 500 nghìn tỷ đô la để thúc đẩy phát triển các-bon thấp và tăng cường khả năng phục hồi. Tham vọng của NDC 3.0 không dừng ở kêu gọi xây dựng các chiến lược khí hậu với mục tiêu lớn hơn, mà còn phải khả thi với các kế hoạch chi tiết, chính sách hỗ trợ và cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân, cùng các dòng tài chính toàn cầu.

Phiên họp về tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 29

Tuy nhiên, khi phạm vi và độ phức tạp của tài chính khí hậu trong NDC3.0 mở rộng hơn, báo cáo này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù xu hướng tích cực là các quốc gia đang tăng cường báo cáo tài chính khí hậu, nhưng quốc tế hiện vẫn chưa có một phương pháp và bộ chỉ số thống nhất để đánh giá nhu cầu tài chính, bao gồm từ đánh giá chi phí - lợi ích đến định nghĩa đầu tư và tài chính. Điều này gây khó khăn khi tổng hợp và so sánh dữ liệu ở quy mô lớn hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả của các quá trình ra quyết định ở cấp độ toàn cầu.

Báo cáo tổng hợp của UNFCCC năm 2024 cho thấy: Phần lớn các quốc gia đã đưa ra các mục tiêu giảm phát thải định lượng trong NDC, nhưng vẫn còn thiếu nhiều thông tin về nhu cầu hỗ trợ tài chính cho việc triển khai thực hiện. Tới nay, mới có 46% các quốc gia đã cung cấp ước tính định lượng về hỗ trợ tài chính cần thiết cho việc thực hiện NDC. Dù vậy, ngày càng nhiều quốc gia cập nhật thông tin này, thể hiện các chính phủ đã ý thức được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính trong các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên (GST) cho thấy, các quốc gia ít gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu nhất lại đang có nhu cầu tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng lớn hơn, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Theo công cụ theo dõi khí hậu của WRI năm 2024, chỉ có 38 trong số 198 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris đã xác định tổng yêu cầu tài chính khí hậu toàn cầu.

Để tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu và giảm 73% lượng khí thải so với mức hiện tại vào năm 2050, các quốc gia cần thêm trung bình 1,4% GDP cho các khoản đầu tư hàng năm từ nay đến năm 2030. Nhu cầu đầu tư dao động từ dưới 1 - 10% GDP, và cao hơn so với tỷ trọng GDP đối với các nước thu nhập thấp. Đặc biệt ở nhóm nước này, tài chính khí hậu ưu đãi từ quốc tế đóng một vai trò quan trọng, trong bối cảnh họ đang đối mặt với thách thức kép về thiếu nguồn lực trong nước và mức độ dễ bị tổn thương cao hơn.

Đoàn kỹ thuật Việt Nam trao đổi về nội dung thảo luận về NDC tại Hội nghị COP29

Khu vực tư nhân có khả năng cung cấp phần lớn tài chính cần thiết cho các nỗ lực thích ứng và giảm phát thải. Các quốc gia đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân thông qua cải cách chính sách, cơ chế tài chính hỗn hợp và các công cụ giảm thiểu rủi ro. Theo Ngân hàng Thế giới, nguồn đầu tư cho các kịch bản tăng trưởng phát thải thấp của các quốc gia đang phát triển cần có sự phân chia công – tư.

Khi các quốc gia xây dựng NDC 3.0, chiến lược huy động tài chính như trên có nhiều tiềm năng làm gia tăng sự gắn kết các mục tiêu khí hậu với phát triển kinh tế và thịnh vượng xã hội. Bằng cách coi NDC là một kế hoạch đầu tư linh hoạt, các quốc gia có cơ hội chuyển đổi nền kinh tế, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và đảm bảo một tương lai bền vững cho người dân.

Trong giai đoạn quyết định này, cam kết củng cố mối liên kết giữa NDC 3.0 và các động lực phát triển tài chính khí hậu rất quan trọng. Các cuộc thảo luận đang diễn ra tại COP29 đã củng cố quan điểm trên xung quanh Mục tiêu Định lượng tài chính tập thể mới (NCQG), nhằm tìm ra các phương thức mới trong huy động tài chính khí hậu sau năm 2025, thiết lập mục tiêu huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm.

Troika – Lộ trình hướng tới 1.5 độ C

Troika là sáng kiến của UAE, Azerbaijan và Brazil – Các nước Chủ tịch Hội nghị COP28, COP29 và COP30. Sáng kiến thể hiện động lực đi từ Hội nghị Dubai COP28 (2023) đến Baku COP29 (2024) và xa hơn là Belem COP30 vào năm 2025. Mối quan hệ đối tác chiến lược và sáng tạo được kỳ vọng có thể giúp các Bên chuyển từ các văn bản đàm phán sang đẩy mạnh hành động thực tiễn.

Bằng cách tạo ra một nền tảng hoạt động chung cho các sáng kiến của các Chủ tịch COP, Troika tập trung vào tăng cường hành động khí hậu, tăng cường tính nhất quán và gắn kết của các cơ chế hiện có trong và ngoài UNFCCC, vận động các quốc gia đệ trình NDC phù hợp với mục tiêu 1,5°C vào đầu năm 2025.

Trong khuôn khổ Hội nghị COP29 đã diễn ra Hội nghị Đối thoại cấp cao Troika của các Chủ tịch COP. Sự kiện có sự tham dự của bà Marina Silva, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil, nước Chủ tịch COP30; Adnan Amin, Giám đốc điều hành Ban Thư ký COP 28; Yalchin Rafiyev, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Azerbaijan và là Trưởng đoàn đàm phán COP29.

Ông Yalchin Rafiyev nhấn mạnh: Bằng cách hỗ trợ lẫn nhau đạt được các mục tiêu khí hậu, các quốc gia có thể đảm bảo một chương trình nghị sự mạnh mẽ và hiệu quả cho các COP trong tương lai. “Chúng tôi tái khẳng định cam kết một lần nữa: Khi thế giới tiến lên trong thập kỷ hành động khí hậu quan trọng hiện nay, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy một không gian đối thoại cởi mở, tư duy xây dựng và tầm nhìn chung”.

Ông Adnan Amin tuyên bố: Khoảng thời gian ba năm giữa COP28 và COP30 sẽ giúp chúng tôi đáp ứng mục tiêu theo Thỏa thuận Paris, trên nền tảng đồng thuận, thống nhất ở Dubai.

Cảm ơn Chính phủ và nhân dân Azerbaijan đã tổ chức thành công COP29, bà Marina Silva, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil – đại diện nước chủ nhà đăng cai COP30 nhấn mạnh: Mục tiêu chính là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C và tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. "Quy mô và tốc độ của các hành động khí hậu không phù hợp với quy mô và tốc độ của mối đe dọa. Điều cấp bách là chúng ta phải nâng cao tham vọng của mình. Chúng ta cần thêm kinh phí và tiếp cận với hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tăng cường năng lực".

Lương Huy - Chu Hương (đưa tin từ Baku, Azerbaijan) 

​​​​​​​


Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Đẩy mạnh thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu

Liệu có hay không một thỏa thuận tại COP29

Toàn văn phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu

Hội nghị COP29: Tiến độ đàm phán tới giữa tuần thứ hai

COP 29: Kết thúc tuần làm việc đầu tiên chưa có nhiều tiến triển

Việt Nam đề xuất mở rộng hợp tác với Viện quốc tế về Phát triển bền vững