Nguồn lực tài chính
Nguồn vốn thực hiện NDC từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn tài chính từ các khoản vay, đầu tư của doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước, các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các chương trình, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn vốn từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ kỹ thuật của các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ thực hiện UNFCCC và Thỏa thuận Paris.
Nguồn tài chính thông qua hoạt động trên thị trường các-bon và các cơ chế định giá các-bon.
Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Tăng cường thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam; thu hút các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ năng lượng trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
- Khuyến khích, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong đầu tư, nghiên cứu và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, xây dựng cộng đồng phát thải thấp, quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với phát triển sinh kế bền vững.
- Phân bổ và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng các nguồn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, ODA, vay ưu đãi để thực hiện các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu có đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính.
- Xác định các nhiệm vụ, chương trình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng.
- Hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện với cơ cấu hợp lý giữa thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và nhiệt điện; đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
- Giám sát các nguồn tài chính, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với pháp luật Việt Nam, yêu cầu của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris và các cơ chế tài chính quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
​​​​​​​