Nâng cao năng lực
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách:
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các cấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bảo đảm phù hợp với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và yêu cầu lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Định hướng hạn chế các ngành sử dụng nhiều năng lượng trong khi tạo giá trị GDP thấp, không định hướng xuất khẩu các sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng; khuyến khích các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng; hạn chế khai thác và xuất khẩu gỗ.
- Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; hoàn thiện chính sách, quy hoạch không gian biển quốc gia phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.
- Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; các chính sách thương mại và phát triển thúc đẩy phát triển bền vững; sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững, không làm mất rừng và suy thoái rừng; các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường.
- Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh đầu tư triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và ban hành các chính sách, ưu đãi về thuế và phí, ưu đãi vốn vay nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền kinh tế.
- Triển khai xây dựng cơ chế, chính sách thể chế hóa mô hình phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng các công cụ định giá các-bon, bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường... nhằm khuyến khích tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải, giảm phát thải khí nhà kính; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
- Hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng các quy định, quy trình và hướng dẫn kỹ thuật triển khai các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, tuân thủ các quy định quốc tế về kiểm kê và báo cáo, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
- Hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu, xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu lồng ghép và thúc đẩy các hoạt động thích ứng mang lại đồng lợi ích với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường lồng ghép bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh thiếu niên trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
- Xây dựng cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro khí hậu, trước mắt là triển khai hoạt động bảo hiểm rủi ro khí hậu đối với một số lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản.
Nâng cao nhận thức, năng lực và thu hút sự tham gia của cộng đồng:
- Đa dạng hóa phương thức thông tin; khai thác các lợi thế của chuyển đổi số, nâng cao chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về dự báo khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai cho cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình.
- Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông quốc gia, tổ chức các lớp tập huấn cho chính quyền các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, thông tin về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh phong trào, hoạt động của thanh thiếu niên, phụ nữ về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường, góp phần hình thành lối sống văn minh, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.
- Tuyên truyền, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động, mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính, mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển rừng và lâm nghiệp bền vững, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, mô hình sinh kế dựa vào cộng đồng, dựa vào tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, tri thức địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò của nghệ nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Phổ biến thông tin, khuyến khích dán nhãn các-bon, sử dụng sản phẩm, dịch vụ dùng năng lượng sạch, ít phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường thay cho sản phẩm, dịch vụ sử dụng năng lượng hóa thạch; dán nhãn sản phẩm không sử dụng chất có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu.
Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Xây dựng và triển khai chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp, chú trọng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới; tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục và đào tạo ở các cấp học; nâng cao chất lượng các chương trình giảng dạy về ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong tiếp cận, tham gia triển khai các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát, thống kê số liệu, định kỳ dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; phổ biến, cung cấp thông tin về thị trường việc làm liên quan đến biến đổi khí hậu.
- Phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm phát thải, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với lộ trình, quy định trong nước và các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.
​​​​​​​